Phát triển kinh tế từ mô hình trồng rau mầm

23/12/2021 07:41

Mô hình trồng rau mầm, rau baby của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội) là một điển hình phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường năm 2013, HTX Thanh Hà được thành lập với diện tích canh tác 1,2ha chuyên trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, khu trồng rau của HTX Thanh Hà đang duy trì trồng hai dòng sản phẩm chính là rau mầm và rau baby.

Rau mầm được trồng từ các loại hạt: Cải, muống, hành tây, đỗ xanh, đỗ đỏ… sau 4 - 10 ngày trồng là thu hoạch. Còn rau baby là các loại rau ăn lá phát triển đạt khoảng 40 - 50% khả năng sinh trưởng của rau thông thường. Do là các loại rau được thu hoạch sớm nên nhiều dinh dưỡng, gần như không có xơ, bã, chỉ rửa sạch là chế biến được món ăn ngay, được người tiêu dùng đánh giá cao và đón nhận.

Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX Thanh Hà chia sẻ: Vốn xuất thân từ kỹ sư nông nghiệp, khi về quê sinh sống, hai vợ chồng tôi thấy đồng đất Thường Tín bỏ hoang nhiều, lại chưa có việc làm ổn định, nên đã có ý tưởng trồng rau sạch để cung cấp cho thị trường.

Lúc mới bắt tay vào làm, khó khăn chồng chất khó khăn. Thiếu vốn nên hai vợ chồng chị Hà phải vay mượn gia đình, người quen, thiếu đất nên phải gom góp từ các hộ nông dân trong làng với hợp đồng ký theo thời gian 10 - 20 năm rồi làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng.

Thiếu khách hàng, vợ chồng chị Hà phải ngược xuôi tự đi chào hàng, tiếp thị. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, từ xã, huyện đến thành phố nên mô hình trồng rau mầm của chị Hà được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Theo chị Hà, muốn có sản phẩm rau sạch, trước hết phải có hạt giống, cây giống có nguồn gốc rõ ràng. Đối với các loại rau mầm, chị Hà lựa chọn giá thể than bùn để loại bỏ tối đa thành phần độc tố. Đối với các loại rau khác, khâu làm đất được chú trọng, giữa các vụ, phải có thời gian cho đất nghỉ, tránh các mầm bệnh còn ủ dưới lòng đất để không làm ảnh hưởng đến vụ sau.

 

Tiếp đó, nguồn nước tưới luôn được bảo đảm sạch, vườn rau của chị Hà không sử dụng phân hóa học mà dùng phân ủ hoai mục đúng thời gian để bón cho cây. Bởi vậy, chị Hà vừa giới thiệu mô hình sản xuất của mình, vừa có thể vô tư cùng những vị khách “thưởng thức” rau mầm ngay tại ruộng. Chị Hà chia sẻ: “Người tiêu dùng hiện nay rất thông minh, họ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm. Do đó, HTX Thanh Hà luôn định hướng sản xuất theo quy trình hữu cơ, nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Sản xuất nông nghiệp nhưng không muốn phụ thuộc vào thời tiết nên mô hình rau của HTX Thanh Hà đã áp dụng thành công và hiệu quả nhiều công nghệ tiên tiến như: Hệ thống nhà lưới, nhà kính, tưới tiêu tự động, cảm biến mưa, nắng, nhà kho bảo quản lạnh và sơ chế… Điều này đã giúp năng suất và chất lượng rau được bảo đảm, không chịu tác động của ngoại cảnh.

Mô hình sản xuất rau an toàn của HTX Thanh Hà là một trong những mô hình nông nghiệp tiêu biểu với mức đầu tư không lớn mà giá trị kinh tế lớn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi liên kết, góp phần nâng cao năng xuất, bảo đảm sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong thời gian tới, huyện sẽ định hướng cho các HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có phương hướng phát triển sản phẩm thương hiệu của mình thành những sản phẩm OCOP tiêu biểu, có giá trị kinh tế cao để từng bước nâng cao đời sống, kinh tế của người dân.